“Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm rất lớn đến giáo dục-đào tạo, đặc biệt là vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo. Trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết về giáo dục, Người dùng nhiều khái niệm để chỉ nhà giáo, như: "cô giáo", "thầy giáo", "người thầy", "giáo viên", "nghề thầy giáo", "nhà văn hóa", "thầy dạy học", "chiến sĩ ngành giáo dục".
Bàn về vị trí của nhà giáo trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định người thầy có vị trí rất quan trọng và vẻ vang. Tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12/6/1956, Người nói “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang” (1). Phát biểu tại Lớp học Chính trị của giáo viên năm 1959, Người khẳng định: Giáo viên là người phụ trách “đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất vẻ vang” (2). Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Bác nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang” (3). Trong thư gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp năm học mới (16/10/1968), Người nhấn mạnh lại “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang” (4). Đây chính là sự ghi nhận, động viên, đánh giá cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đối với đội ngũ nhà giáo, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu, trọng trách lớn lao đối với đội ngũ này.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi nhà giáo phải là người có đức và có tài. Đức và tài là một thể thống nhất, tương hỗ nhau, giúp cho người giáo viên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân. Trong đó, đức là nền tảng của tài, định hướng cho tài năng phát triển và phát triển đúng hướng. Ngược lại, tài phát huy tác dụng của đức, hoàn thiện đức. Trong bài nói tại Lớp học Chính trị của giáo viên năm 1959, Bác dạy: “Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài” (5).
Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao phẩm chất nêu gương trong sự nghiệp giáo dục. Người nhấn mạnh: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu. Các cô, các chú phải nhận rõ trách nhiệm của mình” (6). Do đó, Người luôn nhắc nhở các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo: “thầy giáo phải gương mẫu, trực tiếp làm nhiệm vụ: Đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt sau này, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội” (7).
Người cũng đặc biệt chú trọng đến phong cách, phương pháp dạy học của nhà giáo. Người nhấn mạnh: “Từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên. Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà” (8). Và “Chất lượng và hiệu quả giáo dục không phải ở chỗ học nhiều, học vẹt, học thuộc lòng từng câu, từng chữ, mà là giáo dục người học trở nên “những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (9).
Không chỉ đưa ra những tiêu chuẩn về đức, về tài đối với người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa ra những quan điểm về về xây dựng đội ngũ nhà giáo. Theo Người, xây dựng đội ngũ nhà giáo trước hết đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng; thứ hai, xây dựng đội ngũ nhà giáo phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là chính trị tư tưởng, tài là văn hóa, chuyên môn, phương pháp, chính trị phải là nền tảng; thứ ba, xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo tính kế thừa giữa các thế hệ (thế hệ trước, thế hệ sau; thế hệ già, thế hệ trẻ); thứ tư, xây dựng đội ngũ nhà giáo có cơ cấu hợp lý (ngành nghề, giới tính, dân tộc).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, không phải ai cũng làm thầy giáo, cô giáo được. Nghề dạy học đòi hỏi những năng lực và phẩm chất đặc biệt như trung thành, kiên nhẫn, khiêm tốn, yêu nghề, yêu trẻ, khả năng giao tiếp, khả năng ngôn ngữ... Do đó, khâu lựa chọn, tuyển dụng nhà giáo là rất quan trọng. Đây là bước đầu tiên trong quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo, nếu làm tốt bước này thì sẽ thuận lợi trong việc thực hiện các khâu tiếp theo. Đặc biệt, Người cũng nhắc nhở phải quan tâm và chăm lo mọi mặt cho nhà giáo: "Các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt"; “phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”...
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà giáo trong giai đoạn hiện nay
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo luôn có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là tiếp nối truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam, vận dụng và phát triển sáng tạo triết lý giáo dục của nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam. Tư tưởng ấy đã trở thành nền tảng xây dựng đường lối, chính sách về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ vị trí, vai trò và năng lực và phẩm chất của người thầy trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Văn kiện Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII của Đảng chỉ rõ: Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Đảng đã nhận thức rõ: Vấn đề mấu chốt của tiến trình đổi mới giáo dục đại học chính là nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân" và đề ra 9 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ về "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo".
Kế thừa hệ thống quan điểm chỉ đạo đã có, Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu việc xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội xác định cần: "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người" (10), trong đó nhấn mạnh: "thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cái thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" (11).
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Ngày nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tri thức đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống thì giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa cho sự thành công của mỗi quốc gia. Do đó, vai trò của người thầy lại càng quan trọng và yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn về mọi mặt, vì vậy tư tưởng Hồ Chí Minh về "người thầy" càng có ý nghĩa và giá trị. Đây cũng là sự khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam./.
Theo TTXVN